Tư vấn về tội giết người cướp tài sản

Tình huống: Do có ý định chiếm đoạt tài sản của anh B nên A đã cầm dao đâm liên tiếp 3 nhát vào người B. Thấy B nằm im, tin rằng B đã chết, A liền lấy chiếc xe máy và toàn bộ số tiền trong ví (tổng giá trị tài sản A chiếm đoạt là 87 triệu đồng). Rất may cho B, vì B được phát hiện và cứu chữa kịp thời nên không chết mà chỉ bị thương, tỉ lệ thương tật là 52%.

Hình minh họa

Hình minh họa

Luật sư tư vấn Blue xin tư vấn trường hợp này như sau:

Vì anh A đã trên 14 tuổi nên Căn cứ vào tình tiết đưa ra ta có thể khẳng định hành vi của A thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm 2 tội trong Bộ luật Hình sự đó là Tội giết người (điều 123) và tội cướp tài sản (điều 168)

1. Định tội

Nghiên cứu kĩ cấu thành tội phạm của 2 tội này ta có thể thấy rõ điều đó. Cụ thể như sau:
Từ thực tiễn xét xử đã được thừa nhận, có thể định nghĩa tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác.

Tội giết người

“Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm”.

Thứ nhất, về khách thể của tội phạm: tội giết người xâm phạm quan hệ nhân thân, cụ thể là xâp phạm quyền sống của con người. Xét trong tình huống cụ thể đề bài đưa ra là quyền sống của B.

Thứ hai, về chủ thể của tội phạm: chủ thể tội giết người là bất kì người nào đủ 14 tuổi tròn trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự. Trong tình huống này không hề nhắc đến độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự của A nên A mặc nhiên thỏa mãn dấu hiệu là chủ thể của tội giết người.

Thứ ba, về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, hay nói cách khác là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Trong tình huống này A đã cầm dao đâm liên tiếp 3 nhát vào ngực B, hành vi cầm dao để đâm đã rất nguy hiểm, hơn nữa A lại đâm vào ngực của B là vị trí hiểm yếu, khả năng gây ra cái chết cho B là rất cao. A đã thực hiện hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của B.

Thứ tư, về mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người phạm tội: Lỗi của A là lỗi cố ý trực tiếp bởi A nhận thức rõ hành vi dùng dao là vật có khả năng gây chết người, đâm vào ngực B là hết sức nguy hiểm. A biết trước hành vi dùng dao đâm vào ngực B thì B sẽ chết hoặc có khả năng tước đi tính mạng của B (thấy trước hậu quả tác hại của hành vi). Khi cầm dao đâm liên tiếp 3 nhát vào người  B – vị trí hiểm yếu của con người, chứng tỏ A mong muốn cho B chết. Sau đó thấy B nằm im, tin rằng B đã chết A mới tiếp tục thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của B. Như vậy có thể thấy A mong muốn có cái chết của B.

Mục đích, động cơ phạm tội: Mục đích của A là giết B để chiếm đoạt tài sản.
Từ những phân tích trên đây có thể thấy hành vi của A thỏa mãn cấu thành tội phạm tội giết người điều 123 Bộ luật Hình sự.

Tội chiếm đoạt tài sản:

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản,

“Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Khách thể của tội phạm: Hành vi cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ được luật hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Bằng hành vi phạm tội của mình A xâm phạm trước hết đến thân thể của B, tự do của B qua đó xâm phạm đến tài sản sở hữu của B.

Mặt khách quan của tội phạm:
Theo quy định của điều luật có 3 dạng hành vi khách quan được coi là hành vi phạm tội của tội cướp tài sản là: hành vi dùng vũ lực; hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Trong tình huống này A đã thực hiện dạng hành vi thứ nhất là hành vi dùng vũ lực. Hành vi dùng vũ lực được hiểu là hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động vào người khác nhằm đè bẹp hoặc làm tê liệt sự chống cự của người này chống lại việc chiếm đoạt, hành vi đó trước hết phải nhằm vào con người. A đã thực hiện hành vi dùng vũ lực nhằm vào B, dùng dao tấn công B đè bẹp sự chống cự của B để thực hiện mục đích cướp tài sản của mình.

Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội cướp tài sản là chủ thể thường nên chỉ đòi hỏi có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định. Trong tình huống này không hề nhắc đến độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự của A nên A mặc nhiên thỏa mãn là chủ thể của tội cướp tài sản.

Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Khi thực hiện hành vi phạm tội, A biết mình có hành vi dùng vũ lực tấn công B và mong muốn hành vi dùng dao đâm B sẽ giết được B hoặc ít nhất đè bẹp được sự chống cự của B để có thể thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản.
Từ những phân tích trên cho thấy hành vi của A thỏa mãn cấu thành tội phạm tội cướp tài sản được quy định trong Điều 133 Bộ luật Hình sự.

2. Xác định giai đoạn thực hiện tội phạm của A.

Thứ nhất, đối với tội giết người: giai đoạn thực hiện tội phạm của A là phạm tội chưa đạt cụ thể là phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, bởi vì:
Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp phạm tội chưa đạt nhưng người phạm tội đã thực hiện hết các hành vi cho là cần thiết để gây ra hậu quả nhưng do nguyên nhân ngoài ý muốn, hậu quả vẫn không xảy ra

Dấu hiệu thứ nhất: Người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Sự bắt đầu này thể hiện ở chỗ người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này A đã thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của B là dùng dao đâm liên tiếp 3 nhát vào người B, đây là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự)

Dấu hiệu thứ hai: Người phạm tội chưa thực hiện tội phạm được đến cùng (về mặt pháp lí) nghĩa là hành vi của họ chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu (thuộc mặt khách quan) của cấu thành tội phạm. Trong trường hợp này A đã thực hiện hành vi khách quan nhưng chưa gây ra hậu quả làm B chết.

Dấu hiệu thứ ba: người phạm tội không thực hiện tội phạm được đến cùng là do nguyên nhân ngoài ý muốn của họ . Bản thân A vẫn muốn tội phạm hoàn thành, nghĩa là mong muốn cái chết của B nhưng B may mắn được phát hiện và cứu chữa kịp thời nên không chết mà chỉ bị thương, tỉ lệ thương tật là 52%. Như vậy B không chết là do nguyên nhân ngoài ý muốn nên hậu quả chết người không xảy ra.

Từ những dấu hiệu trên có thể khẳng định giai đoạn phạm tội của A đối với tội giết người là giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.

Thứ hai, đối với tội cướp tài sản: giai đoạn phạm tội ở đây là phạm tội hoàn thành vì A tin rằng B đã chết nên A liền lấy chiếc xe máy và toàn bộ số tiền trong ví B (tổng giá trị tài sản A chiếm đoạt là 87 triệu đồng). Nghĩa là A đã hoàn thành tội cướp tài sản của mình.
Từ những dấu hiệu trên có thể khẳng định giai đoạn phạm tội của A đối với tội cướp tài sản là phạm tội hoàn thành.

Mọi vấn đề vướng mắc quý vị hãy liên hệ tư vấn Blue để được chuyên gia tư vấn miễn phí.

Các tin cùng chuyên mục

Bình Luận